Người đi qua cửa tử

Người đi qua cửa tử
Chiếc F105 bị bắn rơi. Nửa chiếc rớt xuống miệng hầm trú ẩn. “Ông đỡ nắp chạy ra. Cháy bốc hết lửa. Cháy phủ hầm. Hai tay ông cháy hết. Đầu cháy hết”, ông Nguyễn Ngọc Tờ, 98 tuổi, hồi tưởng lại những năm tháng khắc nghiệt nhất đời mình.
Lúc đó ông mới 40 tuổi đang làm kỹ sư nông nghiệp ở phòng Trồng trọt Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước.
Ông Tờ không thể nào quên chiều hôm 19/5/1967. Mỹ ném bom ác liệt Hà Nội. 13h, ông đạp xe ngang ngã ba Lê Trực – Sơn Tây bỗng nghe còi báo động. Ông chạy đến một hố trú ẩn cá nhân có nắp xi măng đậy lại, kế bên là hầm tập thể có 4 – 5 người.
Khoảng 5 phút sau nghe tiếng nổ lớn. Bộ bộ đội bắn rơi chiếc F105, nửa chiếc rớt trúng miệng hầm. Lửa cháy lan, ông chạy ra ngoài kêu cứu và ngất xỉu ngay cổng bệnh viện Ba Đình.
5 người trong hầm trú ẩn tập thể gần đó đã chết trong đêm. Ông bỏng độ 3, tiên lượng xấu. Ông nằm điều trị suốt 3 tháng, qua 3 bệnh viện (Ba Đình, Xanh Pôn, Quân y 103) truyền 10 lít máu khô của Đức mới có thể duy trì sự sống.



Tay ông lở loét, mặt cháy sạm. Những ngày sau mũi miệng còn sọc ra mùi xăng. Ông cắn răng chịu đau nhức. Cứ đến bữa ăn, bạn bè, đồng nghiệp cạy miệng đút từng muỗng cháo. Mỗi sáng thay băng bác sĩ phải dùng thuốc khử trùng xịt vào vết thương. Những con dòi rơi xuống cán ngọ ngoạy.
45 đêm ông không ngủ một giây phút nào, vì vết thương đau nhức, vì thức là chiến đấu lại số phận, khi ông nghe bác sĩ bảo, nếu ông thiếp đi là ông sẽ không bao giờ tỉnh lại.
Mỗi ngày qua ông sợ trời tối, đối diện với sự im lặng và bóng đêm làm ông cô đơn, buồn tủi. Ông đợi đến gần sáng nghe bước chân công nhân đi trên đường, nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên mới le lói tia hy vọng, thấy mình vẫn còn sống. Nằm điều trị, ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu người không qua khỏi. Ông đã tự hứa với lòng dù bất cứ giá nào cũng phải sống.
Những đêm nằm viện ông nhớ nhà, nhớ quê da diết. Ông nhớ quê nơi tuổi thơ ông gắn bó với nội. Ông nhớ những ngày tháng ra đồng cày bừa tỉa đậu, vun khoai với bố mẹ. Cả nhà quây quần bên chén cơm khoai trộn. Ông nhớ vợ, nhớ con. Ông đã phải bỏ lại gia đình, bỏ đứa con đầu lòng mới 8 tháng tuổi để đi kháng chiến.
Ông Sinh năm 1925, làng Liễu Trì, Phủ Lý Thăng Bình (nay là Quảng Nam). Tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, 20 tuổi ông làm Bí thư cứu quốc xã Liễu Thạnh, tham gia mặt trận Việt Minh, mặt trận Liên Việt. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc tham gia phong trào Cải cách ruộng đất và vận động giáo dân không di cư. Ông được cử đi học đại học và tham gia vào làm ở phòng Trồng trọt Ủy ban kế hoạch nhà nước. Ông làm ở đây một thời gian thì gặp nạn.
“Tôi được gỡ băng và không còn nhận ra mình nữa. Môi vĩnh lên, mũi nhỏ lại, tai mất cả vành ngoài. Coi như con người không còn là con người nữa. Tôi sợ hãi chính mình”, Ông . Sau 6 tháng điều trị, ông trở về phòng nông nghiệp tiếp tục công tác.
Biền biệt tung tích ở quê, vắng bóng người thân chăm sóc, ông đã kết nghĩa phu thê với một phụ nữ góa chồng trong kháng chiến. Hai người đồng cảm với nhau sau những đau thương, mất mát. Ông dựng một túp lều trên phần đất của người thân, tường xây bằng đất sét nhồi với rạ, mái lợp bằng lá cọ. Ông mua những cây mây, cây tre trồng làm rào, trồng chuối xung quanh, tạo lập cuộc sống mới. “Chiến tranh đi qua cuộc sống vẫn tồn tại mỗi người đều tìm cho mình một niềm vui niềm an ủi riêng vượt qua những cực khổ, gian nan hướng đến những niềm hạnh phúc lớn lao của đất nước”, ông kể lại trong cuốn tự truyện của mình.

Hòa bình. Ông trở về thăm lại quê xưa sau hơn 20 năm xa cách, nơi ông giã từ bố vượt biển vào Quy Nhơn để tập kết ra bắc. Mẹ đã không còn, bà mất trước đó 3 năm. Bố ông cũng đã 80 tuổi gặp nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào. 11 người con có 6 đứa chia đôi chiến tuyến cũng trở về sum họp một nhà. Đứa con trai đầu lòng nay đã thành một thanh niên nối tiếp ông hoạt động cách mạng rồi trở thành nhà báo.
Ông về Quảng Đà làm hiệu trưởng trường Quản lý Kinh tế, ttiếp tục tạo dựng cuộc sống, làm việc, khắc phục những khủng hoảng, khó khăn sau chiến tranh.
Ông chọn mảnh vườn ở Thủ Đức cạnh sông Đồng Nai làm nơi sống cuối đời. Ông cất lại nhà trên một khu vườn khi tuổi đã ngoài 70. Ông dọn lại con rạch dụ đàn cá sông vào ở, trồng tre làm rào. Là một kỹ sư nông nghiệp, ông tự mình làm vườn, cuốc đất, trồng rau, chăm bón cho từng dây bầu, dây bí, trái cà, trái ớt…ông tự xây mộ cho mình để sau này khỏi phiền con cháu.

Khi bước sang tuổi 98, tóc ông bạc trắng, vết bỏng năm xưa đã lành nhưng di chứng vẫn còn trên khuôn mặt và 2 tay. Ông vẫn lao động, hoạt bát như hồi thanh niên. Trừ những lúc bệnh tật, ông vẫn giữ kỷ luật về thói quen sinh hoạt hằng ngày: đi bộ, đạp xe thể dục, ăn, uống, ngủ, thức đúng giờ không sai chạy suốt mấy chục năm. “Nhờ vậy mà sức ông cường tráng cho đến giờ”, ông nói.
“Cuộc đời 98 tuổi rất dài, gần non thế kỷ, có lúc tưởng như chết, ông đã 4 lần chết đi sống lại, nhìn lại đời ông rất gian nan nhưng cũng là một cuộc đời rất vinh quang. Tất cả đều nhờ ý chí, không ý chí có thể bị quật ngã ngay lập tức. Con người phải tự vượt lên chính mình”, ông đúc kết.
TÙNG TIN