Nghịch lý báo chí
Văn hóa giới trẻ chi phối tin tức. Sự chính chuyên không hợp thời. Mạng xã hội tạo điều kiện cho tự do ngôn luận nhưng đồng thời là nơi tư duy bầy đàn. Quyền riêng tư mất đi. Danh dự, nhân phẩm dễ bị chà đạp chỉ sau vài dòng stt hời hợt trên diễn đàn. Nhà báo có vai trò lớn hơn việc đưa tin thuần túy vẫn loay hoay ngập ngụa trong mớ tin tức phục vụ công chúng với những bản tin gần như nhau.

Báo chí từ khi xuất hiện đến trước thời internet chỉ dành cho tầng lớp thị dân nay nhờ smartphone và mạng xã hội đã lan ra mọi độ tuổi, thành phần: nông dân, công nhân, người già, trẻ nhỏ… Tin tức không xuống cấp mà được phổ cập mang tính chất đại trà, vô hướng. Báo chí nước nhà đã cởi mở hơn bao giờ hết (vì không thể giấu được gì) độc giả lại trông đợi vào những bản tin úp mở của các facebooker… nhiều hơn trên báo.
Những hãng thông tấn thế giới với nền tảng tài chính, tự do báo chí, giàu truyền thống vẫn đang chật vật tìm lối ra. Báo chí trong nước đang loay hoay tìm đường định hướng xã hội bằng báo in hay báo mạng, sáp nhập hay giữ lại.
Fake news từ ngàn đời không phải từ thời internet, từ “những câu chuyện huyền thoại” được tạo thành đức tin của những “cộng đồng tưởng tượng”, từ khi con người chỉ tin những gì họ muốn nghe.
Xã hội thay đổi nhanh chóng. Báo chí vẫn dùng từ update ( cập nhật) cho những bản tin live từng giây, từng phút. Nhiều thuật ngữ báo chí đã không còn hợp thời. Giáo trình dù liên tục thay đổi nhưng đã lạc hậu ngay từ khi ra trường. Điểm thi đầu vào báo chí ngày càng tăng nhưng số lượng và chất lượng sinh viên ra trường đi theo nghề báo ngày càng giảm. 70% giáo trình ở khoa Báo chí và Truyền thông đào tạo sinh viên trở thành nhà báo nhưng chỉ có khoảng 30% đi làm báo, 70% theo truyền thông và các ngành khác. Trong đó, số người làm báo lại giảm dần theo năm.
Những quy định nội bộ ở các tờ báo nhằm bảo vệ phóng viên ( và lãnh đạo báo) trên mạng xã hội vô tình biến facebook phóng viên, nhà báo thành nơi khoe con, bán hàng online, nơi hát những bản tình ca bia bọt…Nhà báo vốn dĩ là những người tự do (hoặc chí ít yêu mến sự tự do), khơi gợi và truyền cảm hứng về những giá trị tự do lại trở thành những nhân viên đưa tin trên một băng chuyền không tiếng động.
Những nhà báo một thời từng vào sinh ra tử với thông tin có một quá khứ hào hùng vẫn ôm ấp những giá trị cũ. Những người thuần chuyên môn không thích đấu đá nội bộ để mình trôi dạt về những tờ báo ít tiếng tăm cuối cùng chìm dần vào quên lãng. Vài người có nghề trở thành lãnh đạo vắng bóng những bài viết có tiếng vang. Những bức ảnh thuở hàn vi thay bằng áo quần lịch thiệp, phòng họp, bằng cấp, rượu vang, đồng hồ, phòng tập….Người trẻ xông xáo lấy sự cực khổ dấn thân nơi nước ngập, kẹt xe,bão lũ, chui cống…làm nét đẹp lao động. Sự dấn thân chỉ dừng lại ở những điều trông thấy chưa đi sâu đào bới vào bản chất vấn đề. Xông pha để đưa tin nhưng chưa dám hy sinh để nói ra sự thật. Nhà báo về hưu dần phản tư về những giá trị báo chí, phê phán nặng nền công cụ tuyên truyền như thể mình chưa từng ăn bổng lộc triều đình.
Số lượng người, kênh, trang tin, đầu báo, thẻ nhà báo…được cấp ngày nhiều nhưng phóng viên, nhà báo thật thụ ngày càng hiếm. Những bài báo chất lượng, công phu lọt thỏm trong mớ thông tin hỗn độn, tạp nham. Những tin hiếu kỳ, vô thưởng vô phạt tạo ra nhanh chóng, dễ dàng và viral. Tòa soạn nỗ lực đầu tư những bản tin chất lượng vẫn lấy view làm hệ quy chiếu nên không thể cạnh tranh với truyền thông xã hội. Mạng xã hội với nền tảng người dùng mang đến lượt tương tác cao hơn nhiều lần với cùng một nội dung trên báo.
Thành công của những youtuber đáng học hỏi mà cũng đầy lo ngại về nội dung. Miếng bánh quảng cáo bị chia nhỏ, khẩu phần ăn của nhà báo ít đi, tính chiến đấu và sức đề kháng cũng mất dần.Vắng dần những nhà báo có tư cách, nhân cách và phẩm giá. Ngày càng nhiều những người viết sỗ sàng, bản tin giật gân, câu khách, những người kể chuyện kém duyên với góc nhìn hời hợt, xốc nổi. Thiếu vắng tác phẩm báo chí chỉ còn những sản phẩm nhanh chóng, đại trà.
Bài tuyên huấn trước ngày báo chí: “Truyền thông xã hội đối với sự ổn định xã hội” dài hơn 4500 chữ nhắc đến ý của Yuval Noah Harari: “Internet, mạng xã hội là một vùng đất tự do và vô luật làm xói mòn chủ quyền quốc gia, phớt lờ các biên giới, phá hủy quyền riêng tư và đem lại mối đe dọa an ninh toàn cầu có thể nói là đáng sợ nhất”. Nhưng Yuval trong Homo Deus không chỉ nói thế, ông còn nói: “Có lẽ sự bất mãn của Thế giới Thứ ba đang bị kích động không chỉ đơn thuần bởi nghèo đói, bệnh tật, tham nhũng và đàn áp chính trị mà nó còn đơn thuần bởi việc tiếp xúc với các chuẩn mực của thế giới Thứ nhất”.
Sách Sapiens cùng tác giả nói về lược sử tiến hóa hàng triệu năm của loài người nhận định: “Chúng ta sẽ thấy sự lặp đi, lặp lại của việc gia tăng ngoạn mục sức mạnh tập thể và thành công bề ngoài của loài người đã đi kèm với sự gia tăng khổ đau của mỗi cá nhân”.
Cứu cánh báo chí không phải đòi hỏi “cả một hệ thống chính trị vào cuộc”, nó nằm ở giá trị thông tin. Tin giá trị phải là hơi thở cuộc sống, người ta có thể thỉnh thoảng mua vui, giải trí nhưng không ai có thể ngừng thở. Xã hội đang thích sống bằng những trò mua vui giải trí qua ngày quên rằng mình đang hít phải một bầu không khí không trong lành. Nhắc lại lời Yuval: “Lịch sử không phải là câu chuyện duy nhất, mà là hàng nghìn câu chuyện khác nhau. Mỗi khi ta ta chọn kể một câu chuyện cũng là bắt hàng nghìn câu chuyện khác phải lặng im”. Báo chí – dữ liệu thô của lịch sử – đang lệch câu chuyện về quyền (chính khách, chính sách nhà cầm quyền…), tiền (doanh nhân, doanh nghiệp…).
Tiếng nói người yếu thế gào thét mang nhát dao Chí Phèo kéo theo những cặp mắt tò mò của đám đông đứng nhìn. Đủ áp lực dư luận buộc nhà chức trách vào cuộc nhưng thiếu cơ chế minh bạch và hành lang pháp lý để giám sát, thông tin. Câu chuyện còn vụn vặt, thiếu tính hệ thống và phổ quát, không đi tận cùng vấn đề hay khơi gợi về thân phận con người.
“Bức xúc không làm ta vô can”, phê phán cũng chẳng làm ta thanh cao. Yêu hiểu biết mới đi tìm sự thật. Có lòng trắc ẩn mới dấn thân đào sâu về thân phận con người. Trăn trở về lý tưởng nghề nghiệp cũng được, suy nghĩ về miến cơm manh áo cũng chẳng sao. Miễn vấn đề nêu ra để cùng nhận diện và bàn bạc một cách nghiêm túc, hoặc chí ít lóe lên một giải pháp, một tia hi vọng, hoặc nhóm nhen một ngọn lửa nghề.
Áp lực nghề nghiệp có làm những “người nông dân” cày ải trên cánh đồng tin tức phải “về quê nuôi cá và trồng rau” cũng xin nhớ lời Fukuoka: “Mục đích tối thượng của việc làm nông không phải là trồng cây , mà là nuôi dưỡng và hoàn thiện con người”. Làm báo chắc cũng chỉ có thế.
Tùng Tin, tháng 6/2019