Biến cố cuộc đời
Khi khi bước vào cái nghề ghi hình đưa tin, mình đã chứng kiến không biết bao nhiêu biến cố cuộc đời. Đằng sau những bản tin thời sự lướt qua mỗi ngày là bao nhiêu số phận con người mà lần đầu trong đời họ đối mặt.
Là lần tác nghiệp bão Damrey; một buổi chiều mưa gió tầm tã, những người phụ nữ đứng ở đập biển, hướng đôi mắt vô vọng về phía chân trời, nơi có chồng, cha, anh đang canh những bè cá bạc tỉ còn kẹt lại ở đảo xa, đã mất hết liên lạc từ tối qua khi bão vào bờ. Mạng người được cứu nhưng tài sản thì trôi ngoài biển khơi. Kể cả mái nhà cũng không còn vì bão lốc qua. Họ mất trắng và rơi vào cảnh nợ nần. Là lần đưa tin cháy trên đường Lê Văn Sỹ; những người còn định ngày mai ăn cơm với thịt hay cá thì hôm sau đã tính những người thân mình hoả táng hay mai táng ( vì hỏa táng thì khác nào người chết hai lần, còn mai táng thì lấy đất đâu chôn cho 5 mạng người vừa chết cháy đêm qua!). Là những lần tác nghiệp trong toà án; chẳng cần liệt kê ra tên của đại gia, quan chức hay cốt cán giang hồ vì một phút sẩy chân hay những mưu đồ toan tính.
Quan toà tuyên người mang tội, những bức hình thì không phân rõ đúng sai, chỉ có nỗi đau của những người thân và nạn nhân là có thật. Là bao lần đi vào bệnh viện Ung Bướu; thấy mẹ mẹ, con con gầy trơ xương, đầu trọc lốc, ống ven kè kè bên người. Sinh một đứa con ra với bao hy vọng về tương lai tốt đẹp, chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo. Thế là cả nhà phải chật vật chạy lo, sức tàn, lực kiệt cho con đến hơi thở cuối cùng.
Lược sử vài trang thấy một thể chế lập nên thì đi liền với nó cũng làm đổi thay số phận của bao người. Có người tử thủ. Có người rời đi. Có người thức thời cơ hội. Có người ôm theo ký ức của một triều đại không còn rồi sống với quá khứ vinh nhục đời mình. Có người vượt ra khỏi đại dương, vượt ra ngoài biên giới quốc gia để tìm kiếm chân trời tri thức khoa học, nghệ thuật với một niềm tin không định kiến.
Đối diện với từng biến cố cuộc đời mỗi người lại có một cách hành xử khác nhau. Đọc mấy quyển sử của Tạ Chí Đại Trường chỉ gợi trong lòng người đọc sự thích thú và lối tư duy gợi mở. Chẳng thấy đâu là oán giận, hận thù của tên tù cải tạo suốt hơn mười năm. Cũng chừng ấy năm trong song sắt, Tô Thuỳ Yên cũng chỉ để phân trần “ Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ giải oan cho cuộc bể dâu này”. Trước những nghịch cảnh, chắc có lẽ điều đầu tiên là phải học cách chấp nhận hơn là đổ lỗi tại trời. Đâu phải vì thằng bán tơ mà Kiều mười lăm năm lưu lạc.
Đâu phải ai cũng giống Chí Phèo chỉ biết rạch mặt ăn vạ rồi đổ lỗi cho xã hội đẩy mình vào đường cùng, thét gào: “ Ai cho tao lương thiện”?! Lương thiện hay không là do mình mà! Nhớ lại bức hình đạt giải WPP của Phillipe Lopez chụp những người sống sót mang theo chút hành lý còn lại cùng những cây thánh giá sau siêu bão Haiyan ở Philippines. Sau tất cả những gì đã trải qua, người ta chỉ còn một niềm tin duy nhất là thượng đế để bám vào.
Yuval Harari ( một idol mới nổi sau Đen vâu) dẫn lời Nietzsche: “ Chúa chết rồi!” Ông bồi thêm câu: “Giờ chỉ còn dọn xác đi thôi”. Yuval không cố ý kích động hận thù hay làm tổn thương những người mộ đạo. Ông chỉ cố chứng minh một điều, giới trẻ ngày nay đã tìm đến thần tượng với những đêm nhạc sôi động triệu người hơn là tìm đến với thánh đường tĩnh lặng. Nhưng chắc rằng, mỗi người khi đối diện với nghịch cảnh, người ta lại cầu nguyện, gọi chúa, phật, thánh thần…bấu víu vào niềm tin cuối cùng để mà bước tiếp.
Hơn hết, những người dấn thân, bản lĩnh còn có cơ hội làm lại cuộc đời hoặc họ chấp nhận định mệnh đời mình như là một lẽ sống. Nhưng những mảnh đời, những thân phận nhỏ bé thì không. Họ nhạy cảm với sự biến đổi. Họ không có nhiều lựa chọn trong cuộc đời nên phần nhiều cam chịu hoặc giải quyết vấn đề theo chiều hướng xấu đi.
“Khi rơi vào hoạn nạn, sự cùng quẫn bế tắc, chỉ cần một bàn tay chìa ra đúng lúc cũng có thể ngăn người ta đến với những ý nghĩ tồi tệ, cho họ thấy ánh sáng dù chỉ là một chút để đứng dậy mà bước tiếp”. Chia sẻ của Hoàng Tuấn Anh, chủ “Gạo ATM” đã lấy kinh nghiệm đời mình để lan toả những thông điệp yêu thương không chỉ bằng lời nói mà còn ở hành động.
“Không lo lắng về những gì nằm ngoài sự kiểm soát của mình” lời khuyên của giáo sư Ngô Bảo Châu được hiểu như một niềm tin lạc quan giúp ta vui sống hơn là khơi mào một chân lý.
Trong những ngày dịch bệnh này, nhìn đâu cũng thấy những hoàn cảnh khốn khó. Thôi thì cứ đốt đuốc mà đi, cứ nhìn nhau mà sống: “Chớ than phận khó ai ơi Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Tùng Tin (4.2020)