Thì sông vẫn chảy (P1)

Bạn đi xe, vui vơ vài chuyện với bác tài, lâu lâu lại nghe bác than: “Giờ người ta đâu có kêu tụi tui là Bác tài, người ta kêu là thằng tài xế”. Đoạn đường phía trước còn xa, bác vẫn vi vu, nhưng trong tiếng nói có chút ngậm ngùi.

Những nghĩ suy cứ chạy theo bạn suốt dọc đường. Nhớ tới mấy bài báo đưa tin tài xế chơi đá, chơi ma tuý để lái công đường trường. Mấy chiếc xe bắt khách dọc đường, hành xử như giang hồ, mấy vụ tai nạn tông thẳng xe chờ đèn đỏ, không ít thì nhiều cũng xoay quanh mấy ông lái xe (chứ còn ai khác!). Nôn nóng vội vàng có khi lại hỏng việc, có khi trả giá bằng sinh mạng của chính mình.

Đi đoạn xa mà xe chưa rời thành phố, nắng chói qua cửa, xe nhích từng chút ở ngã tư. Chiếc xe cứu thương phía trước hú còi inh ỏi cũng chẳng nhanh hơn được chút nào. Sự sống tính bằng giây mà kẹt xe thì hàng giờ. Tội bác tài chỉ phàn nàn người ta cái tiếng kêu, chứ ông bác sĩ dạo rày nghe người ta doạ giết. Nếu nghe tin người nhà mình đau chân trái được bác sĩ cưa chân phải, gãy đốt sống ngực lại khoan nhầm cẳng chân, đàn ông được bác sĩ chuẩn đoán kinh nguyệt nhiều…thử hỏi bạn có chịu yên lòng!

Bạn sống ở thành phố có nền y tế bậc nhất cả nước mà bạn cũng chẳng thấy an tâm. Đến bệnh viện lúc 4h sáng, thấy mấy ông bà già trạc tuổi ba mẹ mình lặn lội mấy trăm cây số, bốc số; xếp hàng để được khám năm mười phút, rồi bốc số, đóng tiền đứng đợi lãnh thuốc đến xế trưa. Thuốc mười bữa, nửa tháng các cụ xin thêm ba bốn mươi ngày hãy tái khám, cũng chỉ vì đường sá xa xôi, tốn tiền tốn bạc.

Bạn thấy sao nó tréo ngoe với cảnh tượng hồi nhỏ bạn đau ốm triền miên, ông y sĩ làm ở y tế xã rành bạn 6 câu vọng cổ từ chuyện ăn uống đến học hành. Hỏi thăm bạn, hỏi thăm chuyện lúa thóc ruộng đồng của ba mẹ. Cảm giác thân thuộc đó làm bạn nhớ hoài.

Bạn biết chẳng thể so trạm y tế ở quê với bệnh viện thành phố, ông y sĩ già với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn, thạo nghề. Bạn chỉ mong tâm hồn con người cũng đáng được chăm sóc như sức khoẻ vậy. Để những vô cảm không còn là nỗi đau. Những thấu hiểu, cảm thông cho nhau cũng là một liều thuốc chẳng những chữa lành vết thương mà còn nuôi dưỡng tâm hồn con người thêm tươi đẹp.

Mấy bữa lướt fb, bạn thấy người ta nói về nghề báo, cái nghề của khách quan, trung thực, chính trực, công bằng. Cái nghề này ít làm chết người nhưng thỉnh thoảng vẫn nghe có ai đó bị đánh. Người ta nhìn nghề báo bây giờ chỉ toàn phong bì, phong bao, không đánh đấm thì cũng bảo kê, như bọn đâm thuê chém mướn đầu đường xó chợ. Bút máu, bút chiến thời dân tộc chủ nghĩa còn đỡ sợ hơn đám làm báo hèn hạ, bưng bô, đĩ bút sống bám vào doanh nghiệp, đảng phái, quẩn quanh mấy chuyện váy ngắn, phòng the, ngập nước, kẹt xe, mây mù, mưa gió…Thỉnh thoảng bạn nghe thế. Bạn cũng chậc lưỡi chắc nó trừ mình ra, mưu sinh thì hơi đâu lo chuyện đời thiên hạ.

Có phải con người đang đứng trên dây của “Đạo đức thẳng thừng và lương tâm cắn rứt” như Hamvas Béla đã từng suy luận hay không? Bạn cũng hay hoài nghi: Mình đã chứng kiến đủ lâu để thấy cái ác là bình thường? Hồi xưa người ta gọi những người rành nghề là ông thầy, ông bác đầy kính trọng. Giờ thay thế phần nhiều bằng từ ngữ chuyên môn: giáo viên, sinh viên, phóng viên, tiếp viên…chuyên nghiệp một cách lạnh lùng. Giáo dục cũng hướng đến “Đào tạo nguồn nhân lực” thay vì xây dựng khơi gợi những nỗ lực tự thân, phát triển một con người hoàn thiện.

Nghe ông bí thư một thành phố đáng sống bảo, cán bộ đoàn cũng phải phấn đấu ước mơ làm bí thư, chủ tịch chứ không thể cam chịu làm đoàn viên mãi được, như thể quyền lực là đích đến của những người trẻ vậy. Ông chủ tịch thành phố nghĩa tình thì khéo léo hơn, động viên cán bộ phường biết đâu một ngày cũng làm chủ tịch, bí thư thành phố. Bạn thoáng nghĩ giờ chắc ông bí thư ở thành phố đáng sống kia chắc đang đau khổ lắm khi mà giờ ông đã mất hết quyền lực trong tay rồi.

Bất giác bạn liên tưởng câu chuyện của tổng thống J. Kennedy kể lại lời khuyên của cha: “Nếu con làm nghề quét rác mà thôi, thì con hãy trở thành người phu quét rác giỏi nhất nước Mỹ”. Nước Mỹ những năm đó cũng đầy chết chóc và bạo lực, đầy mâu thuẫn, chia rẽ, đầy lý tưởng cao cả lẫn dối trá đớn hèn nhưng bạn tin những lời trên của Kennedy là chân thật. Họ dạy cho con em họ đỉnh cao quyền lực không phải là đích đến cuối cùng. Còn bao nhiêu thứ đẹp đẽ hay ho khác cũng làm con người ta sống, chia sẻ, cống hiến để cho phần đời mình có nghĩa.

Bạn thử tưởng tượng ông thợ chụp hình suốt ngày ưu tư cái đẹp cũng mon men mơ làm chủ báo, ông nhà thơ đau đáu canh tân thể lục bát cũng với hi vọng cũng được cải cách giá, lương, tiền…Người ta mặc định bác sĩ giỏi nhất bệnh viện là ông giám đốc! Ông thầy đáng kính nhất nếu không là ông bộ trưởng thì cũng là ông hiệu trưởng nhà trường. Đỉnh cao của văn chương, nghệ thuật không phải ở tác phẩm mà là chiếc ghế trưởng ban tuyên giáo trung ương! Chỉ tưởng tượng thôi đã lạnh cả người.

Xe dừng lại bên bờ sông chuẩn bị qua phà. Bất giác bạn nhớ câu chuyện có cô lái đò đưa khách qua sông, cứu biết bao nhiêu mạng người đuối nước, để rồi một ngày cô chết giữa sông mà không một ai cứu giúp. Câu chuyện đó chẳng phải bạn bịa ra mà là chuyện tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, văng vẳng bên mình chỉ còn mấy câu thơ:

“Chảy đi sông ơi

Băn khoăn làm gì

Rồi sông đãi hết

Anh hùng còn chi”

Chị lái đò đã nằm lại dưới đáy sông, chắc ngày xưa cũng chẳng thèm mơ được lên bờ sắm chiếc xe vi vu như bác tài, để lắm lúc trách hờn gọi thằng hay bác. Chị đã làm tròn công việc của một người đưa khách qua sông. Con sông cũng chẳng lỗi lầm gì, nó vẫn trôi đời nó, vẫn nuôi sống bao nhiêu con người, bao nhiêu cây cỏ, vẫn giữ vào lòng những ai sẩy chân không kịp quay đầu.

Thì sông vẫn chảy. Sông chảy đời sông. Người vẫn sống tiếp đời mình. Trên từng cây số bác tài vẫn vững tay lái đưa rước bao hành khách mà chẳng cần lời cảm ơn, bao nhiêu bác sĩ vẫn đang tuyến đầu chống dịch, sống xa gia đình mấy tháng trời để vợ con được an toàn, những nữ bác sĩ, y tá in hằn trên mặt những vết khẩu trang không son phấn. Bao nhiêu nhà báo vẫn lặng thầm sau câu chữ, bao nhiêu người đã dám nói ra sự thật dù phải chịu cảnh lận đận cả quãng đời dài…Chỉ là thiên chức của nghề, công việc phải làm: “Anh hùng còn chi”?!

Bên kia bờ sông là chập chờn lau sậy, những cây sậy yếu đuối, mong manh trước gió nhưng là những cây sậy biết tư duy, biết vươn lên mang vẻ đẹp của kẻ đứng một mình. Chẳng phải bận tâm bên bồi bên lở, chẳng phải bận tâm được, mất, vui buồn, sông vẫn lặng lẽ trôi khi biết chỉ có xuôi dòng mà không lần trở lại.

TÙNG TIN (3. 2020)

You may also like...

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.